Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

NỘI DUNG LUẬT CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CỦA MỸ

Phạm vi điều chỉnh

Luật chống bán phá giá của Mỹ cho phép chính quyền Mỹ thu thuế nhập khẩu đặc biệt (được gọi là thuế chống bán phá giá) để bù lại phần thiệt hại do việc nhập khẩu hàng hoá với giá thấp ở mức “không công bằng”. Để áp dụng thuế chống bán phá giá, Bộ Thương mại Mỹ (Department of Commerce) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (US International Trade Commission) phải xác định được hàng hoá nhập khẩu nào đang được bán ở mức thấp hơn giá trị bình thường và gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trong nước.
Nếu hai hoặc nhiều hơn nữa các nước bị khiếu nại về trách nhiệm chống phá giá, theo quy định của luật, các bên có quyền yêu cầu Ủy ban Thương mại quốc tế đánh giá số lượng và ảnh hưởng của các hàng nhập khẩu tương tự từ các nước đã nêu trên nếu chúng cạnh tranh với nhau và với sản phẩm tương tự trên thị trường Mỹ. Nếu hàng nhập khẩu từ một nước đang bị điều tra được coi là không đáng kể (thường được xác định là nhỏ hơn 3% tổng giá trị nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra) thì việc điều tra nước đó sẽ dừng lại. Luật này cũng quy định các trường hợp được hưởng miễn trừ ví dụ như đối với Ixraen.
Luật chống bán phá giá còn cho phép các ngành công nghiệp của Mỹ được nộp đơn khiếu nại về hoạt động bán phá giá ở nước thứ ba. Ngành công nghiệp Mỹ có thể đệ trình một đơn khiếu nại, trong đó phải giải thích tại sao
Việc bán phá giá lại gây thiệt hại cho các công ty của Mỹ lên văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, yêu cầu cơ quan này bảo vệ những quyền lợi của Mỹ theo quy định của WTO. Nếu Đại diện Thương mại Mỹ xác định là có đủ cơ sở để điều tra, họ sẽ đưa yêu cầu lên các cơ quan có thẩm quyền ở nước thứ ba yêu cầu họ phải thay Mỹ tiến hành việc chống bán phá giá.
Tương tự, theo Hiệp định Chống bán phá giá, trong khuôn khổ Vòng đàm phán Uruguay, Chính phủ một nước thành viên WTO có thể nộp đơn khiếu nại tới Đại diện Thương mại Mỹ yêu cầu họ mở một cuộc điều tra chống bán phá giá của một sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ một nước thức ba.
Việc huỷ bỏ lệnh chống bán phá giá hoặc đình chỉ việc điều tra có thể xảy ra nếu Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ xác định là việc huỷ bỏ hoặc đình chỉ sẽ không dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành động phá giá.
Các bên không đồng ý với đánh giá cuối cùng của Bộ Thương mại và Uỷ ban Thương mại quốc tế về các vụ chống bán phá giá có thể nộp đơn yêu cầu xử lại lên Toà án Thương mại quốc tế của Mỹ ở New York. Nếu hàng hoá từ Canada hoặc Mêhico, các bên có thể yêu cầu ban hội thẩm lưỡng quốc thuộc NAFTA (North America Free Trade Area – Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ) kiểm tra hoặc có thể kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc tế.

Điều kiện để khởi xuất một vụ kiện bán phá giá

Muốn được khởi kiện, nguyên đơn phải là một cá nhân, tổ chức có liên quan, ví dụ như là nhà sản xuất hay một tổ chức, hiệp hội nằm trong một khu vực, ngành sản xuất mà có hàng hoá đang phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Để có sự ủng hộ của số đông các thành viên trong khu vực, ngành sản xuất, Luật đòi hỏi nguyên đơn phải có thẩm quyền đại diện, ít nhất là phải có trên 25% tổng số sản phẩm của loại hàng đang cạnh tranh.

Các giai đoạn chính của một cuộc điều tra chống bán phá giá tại Mỹ

Trình tự một cuộc điều tra chống bán phá giá tại Mỹ gồm 6 giai đoạn:
Giai đoạn 1Khởi sự điều tra để áp đặt thuế chống bán phá giá (thông thường là 20 ngày sau khi có đơn khiếu nại yêu cầu áp đặt thuế chống phá giá của các doanh nghiệp hoặc hiệp hội trong nước).
Giai đoạn 2Điều tra sơ bộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ về thiệt hại (thông thường là 45 ngày sau khi có đơn khiếu nại)
Giai đoạn 3Xác định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (140 ngày sau khi bắt đầu điều tra, tối đa là 190 ngày đối với những trường hợp phức tạp).
Giai đoạn 4Quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (215 ngày sau khi bắt đầu điều tra, tối đa là 275 ngày).
Giai đoạn 5Quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ về thiệt hại (260 ngày sau khi bắt đầu điều tra)
Giai đoạn 6Lệnh áp đặt thuế chống phá giá (khoảng một tuần sau khi có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ).
Tổng thống có thể huỷ bỏ lệnh của Uỷ ban Thương mại quốc tế tròng vòng 60 ngày vì “những lý do chính trị”.
Hàng năm vào chính ngày lệnh thuế chống bán phá giá được ban hành, các bên có cơ hội đưa ra yêu cầu xem xét lại theo thủ tục hành chính về biên độ phá giá cho một khoảng thời gian một năm kế tiếp đó.

Bắt đầu điều tra

Các cuộc điều tra chống bán phá giá được bắt đầu trên cơ sở một đơn khiếu kiện yêu cầu điều tra do một hoặc các bên có quyền và lợi ích liên quan đệ trình. Những đơn kiện phải được gửi đồng thời đến cả Bộ Thương mại và Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ. Các bên có quyền và lợi ích có liên quan có thể gồm:
1/ Doanh nghiệp sản xuất, chế biến hoặc người bán buôn hàng hoá tương tự của Hoa Kỳ.
2/ Một tổ chức công đoàn hoặc một nhóm người lao động có chứng nhận hoặc được công nhận đại diện cho một ngành công nghiệp liên quan đến việc sản xuất, chế biến hoặc bán buôn hàng hoá tương tự tại Hoa Kỳ.
3/ Hiệp hội kinh doanh hoặc hiệp hội thương mại, đại đa số những thành viên của nhà sản xuất, chế biến hoặc nhà bán buôn sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại có trách nhiệm  tiến hành điều tra khi một đơn kiện được đệ trình “bởi ngành công nghiệp trong nước hoặc bởi đại diện của nó” và trong đơn đưa ra những yếu tố cần thiết để yêu cầu áp đặt một mức thuế chống bán phá giá, cũng như bao gồm tất cả những thông tin hợp lý sẵn có của người đệ đơn. Trước khi URAA ra đời, tập quán Hoa Kỳ thừa nhận đơn kiện được đệ trình đại diện cho một ngành công nghiệp nội địa trừ khi đại đa số các công ty trong nước quả quyết phản đối nội dung của đơn kiện.
Bộ Thương mại sẽ xác định mức độ phản đối này chỉ sau khi phản đối được nêu ra. Theo đúng các quy định hiện hành của Hiệp định chống bán phá giá WTO và URAA, đơn kiện được xem là được đệ trình “bởi ngành công nghiệp nội địa hoặc đại diện của ngành công nghiệp” chỉ khi nó được sự ủng hộ bởi các nhà sản xuất trong nước hoặc nhóm những người lao động được tính toán là tạo ra:
1/ tối thiểu 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự trong nước; 
2/ hơn 50% tổng sản phẩm tương tự trong nước được sản xuất bởi các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến tán thành hoặc phản đối đơn kiện đó.
Trong trường hợp đơn khiếu kiện không chứng minh được sự ủng hộ của những nhà sản xuất trong nước hay nhóm những người lao động trong nước được tính toán là tạo ra hơn 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự trong nước, Bộ Thương mại thông thường sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu trong ngành để xác định liệu bên khiếu kiện có đủ tư cách hay không.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, người lao động có tiếng nói bình đẳng với giới quản lý, nếu ban quản lý của một công ty trực tiếp bày tỏ phản đối quan điểm của những người lao động, thì việc sản xuất được tính toán là tạo ra tối thiểu
25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự trong nước của công ty đó sẽ được coi là không ủng hộ cũng như không phản đối lại đơn khiếu kiện.
Lập trường quan điểm của các công ty Hoa Kỳ là những nhà nhập khẩu hàng hoá đang bị xem xét sẽ không được tính đến trong việc xác định sự ủng hộ. Tương tự như vậy, quan điểm của các công ty Hoa Kỳ có liên quan đến các công ty nước ngoài cũng không được xem xét đến trừ phi các công ty này có thể chứng minh được rằng lợi ích của họ với tư cách là các công ty trong nước sẽ bị tác động bất lợi trong việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Các quy định của luật bắt buộc cả Bộ Thương mại và Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đều phải cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc chuẩn bị đơn kiện nếu được yêu cầu như vậy.
Văn phòng Hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại (TRAO) của ITC được thành lập để cung cấp cho công chúng những thông tin chung về các văn bản pháp luật thương mại cụ thể của Hoa Kỳ và hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho các doanh nghiệp nhỏ cần sự giúp đỡ pháp lý trong các quy định của pháp luật thương mại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét